Đất nền tăng nhiệt hay dấu hiệu “bong bóng” bất động sản Quảng Bình
Tại Quảng Bình, ba năm gần đây giá đất nền có dấu hiệu tăng trưởng nhanh, từ 10 – 15% hàng năm. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm 2018, giá đất nền tăng đột biến lên 40 – 50% so với cuối năm 2017. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng thị trường bất động sản tại tỉnh này hiện đang sôi động hay là dấu hiệu “bong bóng”, làm giá từ các trung tâm môi giới bất động sản?
Đẩy giá đất tăng trên 40%
Với đặc thù là một tỉnh ít cư dân, chưa có những đô thị lớn, bất động sản Quảng Bình chỉ được biết đến trên thị trường, theo bước chân những doanh nghiệp đầu tư BĐS nghỉ dưỡng như Vingroup, FLC, Pullman, bởi đang là điểm đến của các dòng sản phẩm như shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng và condotel. Cùng với đó, phân khúc đất nền hiện đang rất sôi động. Khách hàng của những dự án này phần lớn đến từ các đô thị lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và các địa phương lân cận.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, hiện đang theo dõi thị trường Bất động sản Quảng Bình ví von, thị trường Bất động sản Quảng Bình những năm gần đây tăng trưởng nhanh như “cá gặp nước”.
Theo phân tích ấy, bởi dòng tiền nhàn rỗi trong dân cũng như kết hợp từ nguồn vay ngân hàng, khi thị trường có dấu hiệu ấm lên và phục hồi thì nhiều người đổ xô đổ tiền vào thị trường Bất động sản với mong muốn tìm kiếm nguồn lãi lớn hơn so với lãi suất của ngân hàng.
Nắm bắt tâm lý này, giới đầu cơ hay gọi nôm na là “cò đất” tung thủ thuật đẩy giá lên đến 40% so với giá trị thực của sản phẩm Bất động sản . Do đó, khả năng người mua sẽ gặp rủi ro khá cao.
Thông tin từ Phòng Quản lý nhà & thị trường Bất động sản(Sở Xây dựng Quảng Bình): Thực tế cho thấy, vài năm gần đây giá đất nền tại địa phương có dấu hiệu tăng nhiệt, năm sau tăng hơn 10 – 15% so với năm trước.
Đặc biệt, trong năm 2018, giá đất nền tăng đột biến lên 40 – 50% so với cuối năm 2017, có những khu vực giá đất tăng vượt mức này. Đất sốt nhất tập trung tại khu vực TP Đồng Hới và một số đô thị khác như Hoàn Lão, Ba Đồn… nếu nhìn nhận tổng quan, thì đây là một hiện tượng tất yếu của thị trường ở nhiều địa phương. Hiện tượng này cho thấy Quảng Bình đang hình thành thị trường Bất động sản thực sự, nhưng cũng có thể tạo thành giá ảo.
Tuy vậy, việc đất đai tăng giá nhanh, các giao dịch vẫn đang diễn ra sôi động để đẩy giá trị đất lên một phần do sự có mặt và hoạt động của một số hiệp hội BĐS. Kéo theo đó là nhiều cá nhân tham gia mua bán, ký gửi có thể dẫn đến “bong bóng” BĐS.
Mặt khác, các dự án nhà ở thương mại như Khu đô thị Phú Hải, Khu nhà ở thương mại đường Trần Quang Khải… (ở TP Đồng Hới) với giá đất nền phân lô được bán ra khá cao, vì bị cuốn vào vòng xoáy đẩy giá đất của “cò đất” từ các trung tâm môi giới Bất động sản.
Ông Võ Văn Tuần – Trưởng phòng Quản lý nhà & thị trường BĐS (Sở Xây dựng Quảng Bình) cho biết: Tại Quảng Bình, đang có hiện tượng người dân đầu tư đất nền kiểu “lướt sóng”, theo nhịp điệu tăng trưởng của thị trường để hưởng chênh lệch cao và nhanh.
Tuy vậy, đây là kiểu đầu tư không bền và nhiều cá nhân vì ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi gặp giới đầu cơ tung thủ thuật đẩy giá lên đến 40% so với giá trị thực của sản phẩm Bất động sản thì người dân dồn tiền, vay ngân hàng để ôm đất. Nhưng ngay sau đó, giá đất giảm đột ngột, người dân lâm vào thế cầm chừng. Theo dự báo thì sau giai đoạn nhộn nhịp này giá đất nền trên địa bàn tỉnh sẽ giảm và chững lại một thời gian.
Hạn chế sự bất ổn giá
Thị trường Bất động sản Quảng Bình luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường với các cơn sốt ảo. Tiếp tay cho những rủi ro đó chính là các “cò đất” từ các trung tâm môi giới bất động sản làm ăn chụp giật, thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để kiếm lời.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng Quảng Bình đang tìm hiểu kỹ việc một số hiệp hội BĐS với hình thức hoạt động môi giới, mua bán đẩy giá đất lên cao để kéo theo nhiều cư dân địa phương ít kinh nghiệm thực tế tham gia đầu tư dẫn đến chịu rủi ro.
Chuyện “cò đất” đẩy giá đã và đang để lại những hệ lụy nghiêm trọng tại nhiều khu vực, gây mất niềm tin. Bởi, nhà đầu tư có thể sẽ quay lưng lại với thị trường khi cảm thấy có những bất an hay rủi ro. Đồng thời, cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm môi giới BĐS chân chính, nghiêm túc với nghề.
Đã đến lúc chính quyền các địa phương cần có những giải pháp quản lý tốt hơn về thị trường Bất Động Sản, tránh các rủi ro cho khách hàng. Và hơn hết, để tránh tình trạng “bong bóng” Bất Động Sản ở Quảng Bình có thể xảy ra, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cần sớm đưa ra biện pháp để điều tiết giá, hạn chế sự bất ổn giá.
CafeF
Báo xây dựng